Bí ẩn về “thần y” mế Mụi...

Kỳ 1: Diện kiến mế Mụi Ở tuổi 88, mế Tặng Thị Mụi (trú bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn hằng ngày trèo đèo lội suối, vượt núi cao để tìm thuốc quý trên dãy Pù Quăn. Người đàn bà vốn nổi tiếng với bài thuốc tắm, ngâm để nâng cao, phục hồi sức khỏe sinh lý...,

Nhưng cái kho tàng bí mật lớn nhất của bà là bài thuốc chữa vô sinh rất độc đáo và nổi tiếng khắp nơi. Gần nửa cuộc đời mang hạnh phúc đến cho hàng trăm gia đình, hàng ngàn người hiếm muộn với bài thuốc quý chữa bệnh vô sinh, khi tuổi già đang xuôi về cuối dãy núi, bà thấy mình hạnh phúc vô cùng bởi được người đời yêu mến gọi bằng nhiều cái tên như “người đàn bà hàn gắn hôn nhân”, “bà mát tay”...

Đường lên nhà mế Mụi bùng nhùng trong núi rừng miền Tây xứ Thanh, hỏi thăm đường ở cái huyện miền biên này, đâu đâu người ta cũng biết đến mế Mụi. Có người nói, trước đây Mế ở bản Pù Quăn, nhưng nay đã chuyển ra bản Hạ Sơn rồi. Thế là chúng tôi tiếp tục hành trình dọc con đường lên Hạ Sơn mông lung đồi núi, bản làng của người Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh... hòa trong mây trời mộng mơ.

Chúng tôi đến, mế đang ngồi cắt thuốc để phơi. Thật thà như đếm, mế bảo luôn: “Tao vừa bị xe máy đụng gãy chân, chừ đi lại còn khó khăn lắm. Mần răng dẫn bọn bay vô rừng”. Được biết, 4 tháng nay, mế phải bó thuốc và ngồi ở nhà chứ không đi rừng lấy thuốc được. Mấy ngày hôm nay có đi lại được đôi chút thôi, mế tranh thủ ngồi truyền nghề cho cô con dâu năm nay đã hơn 50 tuổi. Còn công việc vào rừng là việc của cô con dâu.

Ban đầu, mế tưởng chúng tôi là khách đến cắt thuốc nên vừa ngồi vào bàn uống nước, mế đã hỏi đi khám bệnh chưa, chồng hay vợ bị bệnh? Khi được giới thiệu là nhà báo thì mế mới cười, bảo: “Ngày mô cũng có người đến lấy thuốc, rứa là tao cứ nghĩ là khách thôi”. Biết chúng tôi vừa từ dưới xuôi lên, cầm chai rượu được ngâm thuốc đã lâu, rót cho chúng tôi mỗi người một chén, mế bảo “uống rượu ngâm mấy thứ củ này vào, vừa hết mệt mỏi, đau lưng, khớp vừa tốt cho… đàn ông”.

Mế Mụi hạnh phúc khi nói về việc làm của mình. 

Ngồi nhâm nhi chén rượu và nghe mế kể về cuộc đời trở thành một thầy thuốc “phòng the” cũng có nhiều điều bí ẩn lắm. Tuy mế nói tiếng Kinh không được trôi chảy, nhưng tính cách của mế rất sôi nổi, xuề xòa. Mế Mụi trước ở tận trên đỉnh Pha Luông (Mộc Châu - Sơn La) cao chót vót, đến khi lấy chồng, rồi cuộc sống rày đây mai đó, sang cả bên Lào xa xôi, sau mới chuyển về bản Pù Quăn rồi sang bản Hạ Sơn, Pù Nhi này. Và bằng kinh nghiệm mấy chục năm hái thuốc, mế đã giúp nhiều người lành bệnh, mang hạnh phúc đến cho rất nhiều cặp vợ chồng, như mế nói “mế chỉ cắt thuốc cho ai cần, chứ mế có ghi chép bao nhiêu người đâu. Nhưng người gọi điện báo tin vui cho mế thì nhiều lắm”.

Mế Mụi kể, để có được bài thuốc chữa bệnh vô sinh như hiện nay, mế được gia đình nhà chồng, ông bà ngoại truyền lại cho rất nhiều kinh nghiệm. Ở dân tộc Dao có cái rất hay, đó là thường truyền các bài thuốc chữa bệnh lại cho con dâu hoặc con gái, chứ con trai thì cũng có nhưng ít hơn. Ngày trước, cách lấy thuốc, làm thuốc của người được “chọn” khó khăn lắm và phải tuân theo nhiều luật lệ mà đến giờ mế cũng không thể lý giải bằng thực tế được.

Như mế chẳng hạn, để được gia đình bên chồng truyền cho bài thuốc chữa vô sinh này, mế phải hết tuổi sinh con, hoặc đẻ… hết con thì thôi. Chứ không như bây giờ, các nàng dâu mới về nhà chồng đều được mẹ chồng phá lệ mà truyền cho cách thức nhận biết các loại cây thuốc quý. Theo phong tục của người Dao, nếu người phụ nữ vẫn còn khả năng sinh đẻ, dù có lên rừng may mắn hái được thuốc quý thì thuốc cũng “mất thiêng”, chẳng chữa khỏi bất cứ bệnh gì. Thậm chí, nếu không tuân theo luật lệ mà bao đời đã định, thuốc sẽ phản tác dụng, có khi còn dẫn đến... chết người!

http://cadn.com.vn/Images/uploadImages/2010/T_9/Ng_13/h89d.jpg

 Mế Mụi giới thiệu thuốc với P.V.

Mế Mụi lấy chồng từ khi mới mười mấy tuổi, sau sinh hạ được 11 người con thì mới được mẹ chồng cho tiếp cận đến bí quyết truyền đời của gia đình. Cận kề tuổi 50, mế mới được theo mẹ chồng cõng gùi vào rừng để hái thuốc “học nghề” một cách chính thống. Và, cũng chỉ khi ấy, mế mới nhận ra rằng, những cánh rừng bạt ngàn ở Pù Quăn, núi Bản Cắn đúng là một kho báu thực sự.

Theo mế Mụi thì bài thuốc chữa bệnh vô sinh, trước đây cũng do mẹ chồng mế truyền dạy nhưng ít khi dùng đến lắm. Bởi trước đây chủ yếu mế cắt thuốc cho bà con dân bản, mà ở đây thì ít người vô sinh lắm. Tầm chục năm trở lại đây, mế không hiểu sao người vô sinh lại nhiều như thế. Là người Dao, người Mông, người Thái trong vùng, cứ thấy ưng cái bụng là nên đôi nên lứa, rồi con cái cứ thế mà “sòn sòn” chứ ít khi thấy ai vô sinh đâu.

Giờ đây, căn bệnh ấy không chỉ đến với người ở nơi phố xá đông đúc mà ngay nơi thâm sơn cùng cốc, nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm mà cũng chẳng thể nào sinh nở. Và, tiếng lành đồn xa, họ tìm đến mế để tìm một điều kỳ diệu cho vợ chồng. Nhiều niềm vui, tiếng cười đã được sinh ra từ trong bất hạnh và nỗi buồn nhờ bài thuốc quý của mế Mụi.

Nhưng dù thời kinh tế mở đi chăng nữa, việc bốc thuốc chữa bệnh cũng phải tuân theo đạo đức người Dao, không được lạm dụng để kinh doanh, moi móc tiền của những người hiếm muộn. Quan niệm này do lời nguyền để lại, nếu ai đó lạm dụng kiếm tiền bất chính thì bài thuốc sẽ mất hiệu quả. Ngay việc tìm người kế nhiệm, tìm truyền nhân cũng không đơn giản chút nào. Phải tìm được người con gái, con dâu có phẩm tiết, đạo đức để truyền nghề là thế. Nên bây giờ đứa con dâu của Mế vừa 50 tuổi mới được thay mế vào rừng hái thuốc và học một cách cặn kẽ về các bài thuốc. Cái tính mẹ truyền con nối như một sợi dây xuyên suốt, không thay đổi, không truyền cho người ngoài cũng là ta.

Nguồn : Báo Mới

2017-08-28